Nghiên Cứu Khoa Học

Nghiên cứu khoa học là gì

Nghiên cứu khoa học là cách thức con người tìm hiểu sự việc một cách có hệ thống (*).

Có 2 cách để ta có hiểu biết về một sự việc là: chấp nhận và nghiên cứu. Thừa nhận phát hiện, kinh nghiệm của người khác là cách thứ nhất. Tự thực hiện nghiên cứu để tìm hiểu là cách thứ hai.

nghien cuu thi truong

Phân loại các dạng nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng

Nghiên cứu hàn lâm: có mục đích mở rộng kho tàng tri thức của ngành khoa học. Kết quả của nghiên cứu loại này không giúp doanh nghiệp nào áp dụng trực tiếp vào việc kinh doanh của mình.

Nghiên cứu ứng dụng: có mục đích áp dụng các tri thức trong ngành vào thực tiễn. Kết quả nghiên cứu loại này trực tiếp hỗ trợ nhà quản lý trong việc ra quyết định. Nghiên cứu loại này thường được gọi là nghiên cứu thị trường.

Ví dụ cho 2 loại trên: nếu bạn phát hiện ra một số phân tử khi phân rã sinh ra năng lượng thì đó là nghiên cứu hàn lâm. Khi bạn dựa trên hiểu biết đó mà sắp xếp các phân tử chất đó để tạo thành bom hạt nhân thì đó là nghiên cứu ứng dụng.

Ở đây xin nói thêm, tiêu chuẩn để xem một người là tiến sĩ, hay của nhà khoa học nói chung là anh có mở rộng kho tàng tri thức cho ngành khoa học không? Nghĩa là anh có thực hiện nghiên cứu hàn lâm thành công không? Xã hội chất vấn GS TS sao không chế tạo ra sản phẩm cụ thể này nọ là không hiểu về công việc của nhà nghiên cứu.

Nghiên cứu khám phá, mô tả, nhân quả

Nghiên cứu khám phá có mục đích tìm hiểu sơ bộ nhằm xác định vấn đề. Loại nghiên cứu này thường dùng để trả lời câu hỏi: “cái gì”, “vì sao”, “động cơ là gì”…
Ví dụ: Xác định nhu cầu của khách hàng nhằm thiết kế sản phẩm mới là nghiên cứu khám phá.

Nghiên cứu mô tả có mục đích tả lại thị trường, có thể ở một số mặt như đặc điểm người tiêu dùng, thói quen tiêu dùng. Loại nghiên cứu này nhằm trả lời cầu hỏi “bao nhiêu”. Kết quả nghiên cứu này thường là bản mô tả (thường là định lượng, dạng thống kê) về hành vi tiêu dùng (như chi bao nhiêu thu nhập cho loại sản phẩm nào, thời điểm tiêu dùng, quy mô thị trường, thị phần…).

Nghiên cứu nhân quả có mục đích là tìm ra mối quan hệ nhân quả giữa các khái niệm.

Để 2 khái niệm có mối quan hệ nhân – quả, hay “cái thứ nhất” gây nên “cái thứ hai” cần có cơ chế để “cái thứ nhất” gây nên “cái thứ hai”.

Các phương pháp phân tích định lượng – dựa vào các con số, rất tiếc, không thể “hiểu”, “phát hiện” được cơ chế này thay cho người nghiên cứu.

Nếu khi quan sát ta không thấy cơ chế trên, mà chỉ thấy có sự tương quan giữa “cái thứ nhất” và “cái thứ hai” (chẳng hạn “cái thứ nhất” và “cái thứ hai” cùng tăng hoặc giảm) thì chỉ có thể kết luận là giữa chúng có sự tương quan, không thể kết luận là giữa chúng có mối quan hệ nhân – quả.

Nghiên cứu suy diễn và nghiên cứu quy nạp

Sự phân loại này là dựa trên phương pháp nghiên cứu. NC suy diễn và NC quy nạp là 2 cách khác nhau.

Quy nạp là việc dựa trên đặc tính của một số phần tử mà khái quát hóa lên thành đặc điểm của tổng thể.

Suy diễn là dựa trên đặc tính của tổng thể mà suy ra đặc tính của một phần tử thuộc tổng thể đó.

Thường thị người ta sử dụng phương pháp định tính để suy diễn, và phương pháp định lượng để quy nạp. Ngoài ra, còn có phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, trong đó người ta có thể kết hợp 2 cách trên: nghiên cứu định tính để xây dựng giả thuyết nghiên cứu + nghiên cứu định lượng để khẳng định giả thuyết.

(*): Giáo trình nghiên cứu thị trường. Nguyễn Đình Thọ, Nguyễn Thị Mai Trang.

Leave a Reply