Đề cương nghiên cứu (research proposal) hay đề nghị nghiên cứu là một văn bản hoàn chỉnh mà một bên gởi cho bên kia nhằm nêu một đề nghị của mình. Trong mối quan hệ giữa 2 công ty thì đây là văn bản mà công ty nghiên cứu thị trường gởi cho khách hàng nhằm đề nghị thực hiện dự án nghiên cứu. Trong mối quan hệ trong trường học, văn bản này là của SV gởi cho GVHD nhằm đề nghị thực hiện dự án nghiên cứu.
Đề cương nghiên cứu cần đảm bảo (a) Xác định rõ vấn đề nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu; (b) Chứng minh nghiên cứu xứng đáng được thực hiện, (c) Nhà nghiên cứu đủ khả năng để thực hiện nghiên cứu và (d) Hoạch định rõ ràng và chặt chẽ để đảm bảo sự thành công cho dự án nghiên cứu. (*)
Để đảm bảo yêu cầu trên, đề cương nghiên cứu cần có những nội dung sau:
XÁC ĐỊNH RÕ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU, MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
Những phát biểu như “nghiên cứu về hành vi tiêu dùng mỹ phẩm của người tiêu dùng trung niên tại TPHCM” chưa thể hiện được mục tiêu nghiên cứu. Phát biểu trên rất chung chung.
Đọc phát biểu trên ta chưa biết rõ dự án nghiên cứu đem lại kết quả gì. Tìm ra các đặc tính mong muốn của khách hàng về sản phẩm (nghiên cứu khám phá), hay mức chi tiêu trung bình dành cho mỹ phẩm hay lượng đặt hàng qua các kênh phân phối hay lượng tiêu thụ mỗi chủng loại sản phẩm (các nghiên cứu mô tả) hay yếu tố nào ảnh hưởng đến việc chọn mỹ phẩm hữu cơ (nghiên cứu nhân quả).
Để xác định được rõ mục tiêu của nghiên cứu, nhà nghiên cứu cần hình dung kết quả dự kiến mà nghiên cứu sẽ có. Dựa vào kết quả dự kiến này, nhà nghiên cứu sẽ có thể phát biểu rõ ràng hơn về mục tiêu nghiên cứu.
CHỨNG MINH NGHIÊN CỨU XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC THỰC HIỆN
Phần này đảm bảo yêu cầu (b) ở trên.
Nội dung này tương đương với mục “Lý do hình thành đề tài” hay “tính cấp thiết của đề tài” trong các báo cáo.
Tùy vào nghiên cứu là hàn lâm hay ứng dụng. Nghiên cứu hàn lâm có mục tiêu tạo ra tri thức mới, nghiên cứu ứng dụng nhằm tìm kiếm thông tin cụ thể phục vụ nhà quản trị ra quyết định.
Do mục tiêu nghiên cứu của 2 loại khác nhau như trên, nên để lý do cần thực hiện nghiên cứu có tính thuyết phục thì
- Nghiên cứu hàn lâm: chứng minh được nghiên cứu này có tính mới.
- Nghiên cứu ứng dụng: nhà quản trị cần thông tin tìm ra được từ dự án nghiên cứu này.
NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỦ KHẢ NĂNG ĐỂ THỰC HIỆN NGHIÊN CỨU
Để thực hiện dự án nghiên cứu này, nhà nghiên cứu dự trên những nghiên cứu trước nào, dựa trên phương pháp nào.
Vì nhà nghiên cứu sử dụng các nội dung trên làm cơ sở nên trong báo cáo nội dung bên trên được nằm trong mục “cơ sở lý thuyết”.
Nhà nghiên cứu sẽ trình bày phương pháp mà mình sẽ sử dụng để giải quyết vấn đề mà nhà quản trị nêu. Nhà quản trị sẽ đánh giá tính thuyết phục của phương pháp nghiên cứu thông qua đề cương.
Về phương pháp nghiên cứu marketing, cần quan tâm các vấn đề sau:
- Yêu cầu đối với kết quả nghiên cứu: nghiên cứu khám phá, mô tả hay nhân quả
- Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu định tính hay nghiên cứu định lượng
- Về dữ liệu cần thu thập: nếu lấy mẫu thì lấy mẫu xác suất hay phi xác suất. Hoặc thiết kế nghiên cứu thực nghiệm.
- Về làm sạch dữ liệu và phương pháp phân tích dữ liệu
Những phần trên cần được kết nối chặt chẽ để cùng giải quyết vấn đề nghiên cứu marketing.
HOẠCH ĐỊNH RÕ RÀNG VÀ CHẶT CHẼ ĐỂ ĐẢM BẢO SỰ THÀNH CÔNG CHO DỰ ÁN NGHIÊN CỨU
Ở những phần trên, nhà nghiên cứu thuyết phục nhà quản trị về sự cần thiết của dự án, về khả năng của mình trong giải quyết vấn đề.
Ở phần này, nhà nghiên cứu cần thuyết phục nhà quản trị rằng mình có một kế hoạch triển khai thực hiện khả thi để giải quyết dự án này.
Nhà quản trị đặt hàng nhà nghiên cứu thực hiện một nghiên cứu nhằm cung cấp thêm thông tin giúp họ ra quyết định. Vì thế, thông tin (từ kết quả nghiên cứu) cần được cung cấp kịp thời, với chi phí hợp lý.
Do đó, đề cương phải trình bày thời gian biểu, chi phí và các nguồn lực nhà nghiên cứu sử dụng để thực hiện nghiên cứu.
Kế hoạch thực hiện nghiên cứu
(Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)
Trong đề cương nghiên cứu, nhà nghiên cứu thể hiện các nội dung về từng công việc, thời gian thực hiện công việc, chi phí thực hiện công việc.
Vì thể đề cương giúp nhà nghiên cứu cũng như nhà quản trị kiểm soát tiến độ thực hiện, chi phí thực hiện. Thậm chí, nhà quản trị có thể tham gia giám sát quá trình thực hiện nghiên cứu. (*) Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh – Thiết kế và thực hiện. Nguyễn Đình Thọ. (có điều chỉnh)
Bạn có ý kiến khác, hay cần trao đổi thêm? Xin vui lòng comment bên dưới, hoặc nhắn cho tôi tại đây: https://m.me/nguyennamphong.page